Bí quyết giữ gìn sức khỏe ngày Tết
1. Cảnh giác với ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm là một vấn đề nghiêm trọng trong đời sống ngày thường và trong những ngày tết thì việc cảnh giác với ngộ độc thực phẩm càng quan trọng hơn. Ngộ độc thực phẩm thường xảy ra do thiếu vệ sinh. Do đó, chúng ta cần cẩn thận với các loại thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống và nhất thiết cần phải duy trì những thói quen có lợi là rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi chuẩn bị bữa ăn; để riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín, thức ăn phải được nấu chín trước khi ăn, chỉ dùng nước sạch và thực phẩm an toàn.
2. Cẩn thận với cúm gia cầm
Tết cổ truyền không thể thiếu thịt gà, đây cũng là yếu tố nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm. Cần tránh tiếp xúc với gia cầm ốm và chết, đeo khẩu trang, găng tay trong khi giết mổ và sử dụng chất tẩy rửa sau khi giết mổ gia cầm; phải nấu chín thịt gia cầm, tuyệt đối không nên ăn thịt còn màu hồng, không ăn trứng ốp la chưa chín, không ăn tiết canh vịt.
3. Hạn chế dùng chất béo
Trong những ngày Tết, các món ăn như thịt kho tàu, bánh chưng bánh tét… là những món khoái khẩu, nhưng đây cũng là những món làm cho chúng ta tăng cân, tăng cholesterol máu, mầm mống của bệnh tim mạch. Để tránh tăng cân trong những ngày Tết, chúng ta cần hạn chế ăn những món ăn nhiều mỡ, chia bữa ăn chính ra thành nhiều bữa nhỏ và cần ăn thêm nhiều rau xanh, trái cây.
Ăn uống vừa phải, không quá no và ăn kèm với thực phẩm lên men như: Dưa cải, kim chi nhằm tăng khả năng tiêu hóa nhờ sự hoạt động của các loại men vi sinh. Không nên ăn những thức ăn đã để quá 6 giờ và tốt nhất là ăn ngay sau khi chế biến.
4. Thực hiện tốt an toàn giao thông
Uống rượu vào sẽ làm gia tăng sự kích thích, người uống rượu trở nên hoạt bát, hưng phấn, vui vẻ, nhưng khi uống quá nhiều, rượu lại ức chế thần kinh, khiến người uống không kiểm soát được lời nói, hành vi, gây nguy hại cho sức khỏe và không làm chủ được bản thân dẫn đến không làm chủ được tay lái khi sử dụng các loại phương tiện giao thông
Để thực hiện tốt an toàn giao thông ngoài việc đội mũ bảo hiểm còn phải không bao giờ lái xe sau khi uống rượu, bia dù chỉ một lượng nhỏ.
5. Cố gắng duy trì chế độ tập luyện
Trong những ngày Tết, hẳn mọi người sẽ mất nhiều thời gian cho việc nấu nướng, dọn dẹp, đi chúc Tết… thế là không còn thời giờ cho việc tập luyện thể thao. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tập luyện tại nhà, chỉ cần 15 phút tập mỗi ngày trong suốt những ngày nghỉ với những động tác vận động toàn thân nhằm giúp cho cơ thể tiêu hao lượng calo thừa.
Ngoài việc phải duy trì chế độ tập luyện, chúng ta cần bố trí thời gian sinh hoạt hợp lý, điều độ,không nên thức quá khuya, nhất là những người cao huyết áp, bệnh tim mạch.
6. Uống nhiều nước lọc
Vào những ngày Tết, chúng ta cần phải uống thật nhiều nước vì trong những bữa ăn đã uống nước ngọt hoặc bia nhiều hơn nước lọc. Mà những thức uống đó và trà, cà phê, thực chất chỉ giúp giải khát chứ không thể bổ sung nước cho cơ thể tốt bằng nước lọc.
7. Quan tâm hơn đến trẻ em
Với trẻ em, cần chú trọng đến các bệnh dễ mắc trong những ngày tết như:
– Sốt xuất huyết tuy là bệnh xảy ra quanh năm chứ không riêng gì ngày Tết thế nhưng chúng ta cũng không nên mất cảnh giác với bệnh này. Nếu em bé sốt liên tục trên 2 ngày thì phải đến bệnh viện để khám ngay.
– Tiêu chảy và ngộ độc thức ăn: Nếu em bé bị tiêu chảy hoặc ói thì chúng ta nên cho trẻ uống nhiều nước, tuyệt đối giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi tiêu. Nếu thấy trẻ tiêu chảy kèm theo nổi mụn nước ở bàn tay, bàn chân, trong miệng, lưỡi thì phải chú ý bệnh tay chân miệng, đây là bệnh có thể gây biến chứng viêm não rất nguy hiểm.
– Một số tai nạn cũng hay gặp ở trẻ khi chúng ta bất cẩn, thiếu chú ý trong lúc trẻ chơi đùa, chạy giỡn như: Sặc thức ăn, bỏng, điện giật, ngã xuống nước. Nếu không may bé gặp nạn, việc cấp cứu tại chỗ là rất quan trọng. Dùng phương pháp vỗ lưng, ấn ngực nếu thấy trẻ đang ăn đột nhiên bị tím tái khó thở, ho sặc sụa. Hãy nhanh chóng đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay hoặc đầu gối của mình và vỗ lưng thật mạnh ngay sau hai xương bả vai 5 cái để dị vật văng ra ngoài, sau đó lật ngửa trẻ lên ấn vào ngực trẻ 5 cái, lặp lại nhiều lần cho đến khi trẻ hết khó thở.
Trong trường hợp trẻ bị ngưng thở, ngưng tim do điện giật, chết đuối, té bất tỉnh… thì thực hiện các động tác hà hơi thổi ngạt theo cách như sau: người cấp cứu hít một hơi thật dài rồi thổi vào miệng trẻ thật mạnh làm lồng ngực phồng lên, sau đó dùng tay ấn vào vùng trên xương ức, mỗi lần thổi miệng thì ấn tim 5 lần, kéo dài cho đến khi trẻ tự thở được và tim đập lại mới ngừng.
Theo kenh14.vn
Bài viết liên quan
-
7 cách giữ cho xương khớp khỏe mạnh bí quyết duy trì sức khỏe
Xương khớp là nền tảng vững chắc cho... -
Tắm sau ăn có tốt không? Lý giải khoa học và những điều cần biết
Tắm sau ăn là thói quen của nhiều... -
Khung giờ làm việc của cơ quan trong cơ thể con người (Phần 1)
Cơ thể con người là một sự phối... -
Hiến máu có tốt không? Tác hại từ việc hiến máu là gì?
Cụm từ hiến máu tình nguyện bạn có...