Nhiều điểm mới trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế
Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) vừa được ban hành ngày 17-10-2018 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-12-2018. Nghị định 146 với nhiều điểm mới đáng chú ý được thay thế Nghị định 105/2014/NĐ-CP, với mục tiêu cập nhật chính sách cho phù hợp tình hình mới; đồng thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai thời gian qua.
Khám mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG |
Nhiều điểm mới.
Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định, đối tượng tham gia BHYT thành sáu nhóm: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do cơ quan BHXH đóng; nhóm do ngân sách nhà nước đóng; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng; nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình; nhóm do người sử dụng lao động đóng. Trong đó, Nghị định quy định thêm nhóm đối tượng tham gia BHYT do người sử dụng lao động đóng, gồm: Thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội; thân nhân của công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân; thân nhân của người làm công tác khác trong ngành cơ yếu. Cụ thể, gồm: Cha mẹ đẻ, cha mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên, nếu còn tiếp tục đi học phổ thông. Bên cạnh đó, cũng quy định thêm nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình, gồm: Chức sắc, chức việc, nhà tu hành; người sinh sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội trừ đối tượng đã được quy định tại Điều 1, 2, 3, 4 và 6 của Nghị định mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí đóng BHYT. Nghị định cũng quy định rõ ba mức hưởng BHYT đối với từng đối tượng là 80%, 95% và 100%. Trong đó, có năm trường hợp được hưởng toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT. Cụ thể: Hỗ trợ toàn bộ chi phí KCB với các đối tượng gồm người có công với cách mạng; cựu chiến binh; người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; thân nhân của người có công với cách mạng; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. Hỗ trợ toàn bộ chi phí KCB và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật đối với người hoạt động cách mạng trước năm 1945, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, trẻ em dưới 6 tuổi. Hỗ trợ toàn bộ chi phí KCB tại tuyến xã. Hỗ trợ toàn bộ chi phí KCB đối với các trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% lương cơ sở (hiện nay lương cơ sở là 1,39 triệu đồng/tháng). Và hỗ trợ toàn bộ chi phí KCB khi người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở, trừ khi tự đi KCB không đúng tuyến. Nghị định cũng quy định rõ mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho một số đối tượng tham gia BHYT. Theo đó, từ ngày 1-12-2018, mức hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách nhà nước cho một số đối tượng như sau: Hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ. Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp người thuộc hộ gia đình nghèo theo tiêu chí về thu nhập, người thuộc hộ nghèo đa chiều có thiếu hụt về BHYT quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… Cùng với việc quy định một số điểm mới đáng chú ý như: bổ sung một số đối tượng tham gia BHYT; quy định tham gia theo hộ gia đình (không bắt buộc tham gia cùng thời điểm); Nghị định 146 cũng quy định chi tiết hơn hồ sơ, điều kiện, nội dung và mẫu hợp đồng KCB BHYT; bỏ quy định giao quỹ KCB cho cơ sở KCB (kể cả trạm y tế xã), thay vào đó là giao tổng mức thanh toán; sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể về thanh toán chi phí KCB; bổ sung quy định mới về công nghệ thông tin trong quản lý KCB BHYT… Sẽ sử dụng thẻ BHYT điện tử Nghị định cũng quy định, chậm nhất đến ngày 1-1-2020 cơ quan BHXH phải có trách nhiệm thực hiện phát hành thẻ BHYT điện tử cho người tham gia BHYT. Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến tháng 10-2018, cả nước đã có 82,3 triệu người được cấp thẻ BHYT, trong đó cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH là 78,65 triệu người, đạt tỷ lệ 99% tổng số người tham gia đã có mã số BHXH. Việc thay thế thẻ BHYT từ chất liệu giấy sang thẻ điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia khi thực hiện giao dịch đăng ký đóng, hưởng chế độ BHYT. Đồng thời giúp cơ quan BHXH dễ dàng quản lý công tác KCB BHYT. Về việc phát hành thẻ BHYT điện tử, trước đó Văn phòng Chính phủ cũng ban hành Công văn số 4173/VPCP-KSTT ngày 8-5-2018, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao cho BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử. Thủ tướng cũng yêu cầu thẻ BHYT phải có gắn chíp với giải pháp công nghệ do Việt Nam làm chủ, bảo đảm kết nối, liên thông, tích hợp an toàn và chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương liên quan. Để thực hiện chỉ đạo này, hiện BHXH Việt Nam đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu cấp thẻ BHYT điện tử như kế hoạch đề ra, như: Xây dựng dự thảo Quyết định phê duyệt Mẫu thẻ BHYT và phương án cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử; xây dựng phương án để xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện, quy định về giải pháp công nghệ cho thẻ BHYT điện tử… Đồng thời, cơ quan BHXH Việt Nam cũng tổ chức khảo sát, thí điểm tại một số tỉnh, thành phố lớn, lên phương án trang bị cơ sở hạ tầng nhằm bảo đảm kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quản lý về BHYT liên thông cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương liên quan. Về yêu cầu cụ thể, thẻ BHYT điện tử sẽ phải được tích hợp an toàn và giao dịch dữ liệu của ngành BHXH với các cơ sở dữ liệu của đơn vị, cơ sở khám, chữa bệnh BHYT và cơ quan quản lý nhà nước, địa phương có liên quan. Ngoài ra, thẻ BHYT điện tử sẽ sử dụng thông tin sinh trắc học của người tham gia BHYT để xác thực nhân thân. Thông tin sinh trắc học sẽ được thu thập, quản lý và cập nhật trên thẻ điện tử theo kế hoạch, lộ trình cụ thể, đồng bộ với quá trình triển khai… Minh Anh, “Những điểm mới trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế”, Xem tại: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/38142602-nhieu-diem-moi-trong-thuc-hien-chinh-sach-bao-hiem-y-te.html (truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2018). |
Bài viết liên quan
-
Hà Nội số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh, cảnh báo nguy cơ dịch bệnh
Trong những tuần qua, Hà Nội đã ghi... -
Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt loạt cơ sở vi phạm về khám bệnh, chữa bệnh
Trong những năm gần đây, công tác thanh... -
Bộ Y tế đề xuất phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám, chữa bệnh
Trong bối cảnh cải cách hành chính và... -
Vì sao nên sử dụng app tcsoft medical cho phòng khám của bạn?
Trong thời đại số hóa hiện nay, việc...